DI TÍCH LỊCH SỬ
DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP QUỐC GIA ĐÌNH NGUYỆT ÁNG
Ngôi đình quay hướng tây nam, được dựng ở đầu phía tây của làng Nguyệt Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội; phía trước đình là một hồ nước, nơi tụ thủy, tụ phúc cho công trình, sau hồ là cánh động rộng thoáng của làng.
Đình Nguyệt Áng thờ đức Công Ba đại vương, em thứ ba của Vua Hùng làm Thành hoàng làng. Theo truyền thuyết địa phương thì đức Công Ba đại vương sinh ngày 12 tháng 5 năm Giáp Thìn, hóa ngầy 12 tháng 2. Sinh thời, ngài nổi tiếng thông minh đĩnh ngộ, văn võ toàn tài, thông tường thiên văn, địa lý. Trong một lần du ngoạn núi sông, ngài đã tới vùng đất Nguyệt Áng. Nhận thấy đây là khu đất đắc địa, có long chầu, hổ phục, ngài đã cho triệu tập các bô lão, cấp tiền, mua ruộng để dựng đình; lại chọn cho hướng tốt, đặt bảng vàng phía trước (nhờ đó mà Nguyệt Áng nổi tiếng là đất văn học). Đức Công Ba đại vương còn chiêu dân đến đây khai hoang, lập ấp… Khi ngài hóa, nhân dân đại phương đã tu sửa cung điện làm điện thờ chính, hàng năm cầu cúng, tế lễ và đều được ứng nghiệm. liên tiếp trong nhiều đời sau, triều đình đều bao phong Thượng đẳng phúc thần và cho phép dân sở tại tiếp tục thờ cúng.
Như vậy, theo thần tích và truyền thuyết thì đình Nguyệt Áng ra đời từ khá sớm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau và bản thân các cấu kiện lại chủ yếu bằng thảo mộc nên dấu vết kiến trúc của ngày đầu hiện không còn. Những di vật cổ nhất hiện lưu giữ tại đình là hệ thống sắc phong thời Lê, Nguyễn, trong dó đạo sắc cổ nhất là năm Chính Hòa thứ 4 (1683) cho thấy ít nhất từ cuối thế kỷ XVII, đình Nguyệt Áng đã là một thực thể văn hóa – tôn giáo tín ngưỡng của làng xã, được triều đình ghi nhận. Sang thế kỷ XVIII, XIX, XX ngôi đình vẫn tiếp tục được quan tâm giữ gìn, tu bổ với một loạt di vật hiện còn như sắc phong, long ngai, kiệu thờ cùng đò thờ tự khác hiện còn đã chứng minh điều đó.
Ngôi đình hiện nay có quy mô khá bề thế với ngoài cùng là Bình phong kiểu cuộn thư, hai mặt đắp long mã phi nước đại. Tiếp đến là Nghị môn là sự kết hợp giữa kiến trúc trụ biểu với cổng vòm hai bên, sau Nghi môn là sân đình.
Tòa Đại đình kết cấu theo kiểu chữ Công, gồm Đại bái, Ống muống và Hậu cung. Đại bái gồm năm gian kiểu tường hồi bít đốc tay ngai dựng trên nền cao hơn mặt sân 0,5m. Hệ khung cột Đại bái kiểu bốn hàng châm kê trên chân tảng và được dựng lên theo thế thượng thu – hạ thách đỡ các bộ vì. Bộ vì nóc Đại bái kết cấu kiểu giá chiêng – chồng rường – con nhị. Các bộ vì nách Đại bái kết cấu kiểu cốn chồng rường, đỡ hiên ở Đại bái là bẩy với một đầu ăn mộng qua thân cột quân tạo thành nghé đỡ dạ kết công trình theo chiều ngang thì liên kết giữa các bộ vì theo chiều ngang dọc là các xà dọc tạo cho cả bộ khung nhà có thể đứng vững chắc.
Tòa Ống muống gồm hai gian, vì nóc, vì nách cũng làm kiểu chồng rường đơn giản, nhung để mở rộng không gian nội thất, các cột cái ở đây được thay bằng cột trốn kê trên xà dọc. Không gian cảu tòa này là để bày kiệu cùng các đồ tế khí, cũng như tạo khoảng cách nhất định giữa người hành lễ ngoài Đại bái với bức hoành phi đề bốn chữ: Thánh cung vạn tuế
Hậu cung đình gồm ba gian. Hệ khung cột đây cũng được làm kiểu bốn hàng chân nhưng hàng cột cái sau được thay bằng cột trốn kê trên cật quá giang nhằm mở rộng không gian nơi thờ tự. Cửa ra vào được dựng trên hàng cột cái trước với các cánh cửa bức bàn chắc chắn; phía ngoài cửa, tại gian giữa treo bức hoành phi: Thượng đẳng linh từ. Bộ vì nóc Hậu cung kết cấu kiểu giá chiêng – chồng rường – con nhị như ở Đại bái, các vì nách ở Hậu cung đều là kiểu kẻ với một đầu kẻ ăn mộng qua đầu cột quân, tại vị trí tiếp giáp với xà nách; thân kẻ cong vồng, kê ván nong đỡ hoành mái.
Mái của đình Nguyệt Áng được lợp bằng ngói rì loại nhỏ. Nối dài với hai tường hồi Đại bái về phái trước, sát với mép hiên có hai trụ biểu, trên đỉnh đắp tứ phượng dạng lá lật. Phần tường đắp nổi hai tượng võ sĩ dáng vẻ rất uy nghiêm.
Có thể thấy , kiến trúc đình Nguyệt Áng mang phong cách kiên trúc dân gian truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trang trí trên cấu kiện gỗ là những đề tài lá lật, long hóa mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ XX nhưng cũng góp phần đem lại sự sinh đọng cho nội thất công trình.
Đình Nguyệt Áng còn giữ được khá nhiều di vật có giá trị với nhiều chất liệu tạo tác, như đồng, gỗ, đá, giấy…
Về đồ đồng, giá trị nhất là quả chuông hình bát giác hiện treo ở Hậu cung, có chiều cao 0,4m, đường kính miệng 0,23m. Thân chuông chia làm tám phần; ở mỗi phần lại chia làm ba khoảng: giũa chạm chữ triện, phía dưới chạm các quẻ hào còn phía trên chạm các chữ phạn xen kẽ là các hình hoa dây, kỷ hà. Quai chuông là chính con rồng, trong đó có tám con quay về tám hướng, còn 1 con quay lên trên. Đây là quả chuông có kiểu dạng khá lạ, rất hiếm gặp trong các công trình tôn giáo, tín ngưỡng ở động bằng Bắc Bộ. mặc dù chuông không ghi niên đại, nhưng căn cú vào hoa văn rồng trên quai có thể đoán định di vật này được tạo tác vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Ngoài ra, còn có một số bát hương, đỉnh đòng, chân đèn… cũng là những vật có giá trị.
Về đồ giấy, giá trị nhất là 15 bộ sắc phong các thời Lê, Tây Sơn và Nguyễn, đạo sắc cổ nhất là năm Chính Hòa thứ 4 (1683), đạo sắc muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924).
Về đồ đá, di tích hiện còn giữ được năm tấm bia đá ghi việc hậu, hiện trên tường bên phải Đại bái. Tấm bia cổ nhất dựng vào năm Thành Thái thứ 12 (1900).
Về đồ gỗ, giá trị nhất là kiệu gỗ long đình mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Ngoài ra, trong đình còn khá nhiều hiện vật gỗ như ngai, bài vị, bát bửu, y môn, cuốn thư, hoành phi, câu đối với các mốc niên đại từ thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX…
Đình Nguyệt Áng là công trình tín ngưỡng có quy mô bề thế không chỉ có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật mà còn giữ gìn được nhiều di vật quý giá văn hóa đặc sắc. Ngôi đình đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1995.