DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP THÀNH PHỐ - CHÙA ĐẠI ÁNG
Publish date 06/05/2023 | 21:09  | Lượt xem: 845

DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA ĐẠI ÁNG

Chùa Đại Áng, tên chữ là Thiên Phúc Tự tọa lạc tại thôn Đại Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội. Chùa nhìn hướng nam tây nam, bên trái là đình Đại Áng, phía ngoài Tam quan là đường thôn, tiếp đó là một hồ nước lớn - nơi tụ thủy, tụ phúc chung cho cả đình và chùa. Chùa Đại Áng có quy mô kiến trúc khá lớn, với nhiều nếp nhà ngang - dọc: Tam quan, Gác chuông, tháp Phật, chùa chính, nhà Khách, nhà Tổ, điện Mẫu được xây dựng kế tiếp nhau, tạo nên sự khép kín cho toàn bộ công trình. Tam quan chùa nằm chếch về bên phải, xây hoàn toàn bằng gạch, kiểu thượng lâu - hạ cổng, là sự kết hợp giữa trụ biểu và cửa cổng, trên tầng hai lối đi giữa treo một chiếc khánh đồng. Sau Tam quan, bên phải là một giếng mắt rồng lớn, đường kính tới 15m, hiện được kè thành sạch sẽ.

Thẳng với trục chính đạo và nằm sát đường thôn là Gác chuông, kết cấu chồng diêm, hai tầng tám mái lợp ngói ri truyền thống; hai mặt trước - sau của tầng dưới mở lối ra vào; bốn góc tường tầng dưới là tường bao xây gạch để trần, trên thân tường trổ cửa sổ tròn trang trí các vòng tròn sắc . không. Tầng trên là bộ khung bêtông giả gỗ đỡ bộ mái lợp ngói ri truyền thống; bốn phía xung quanh tầng trên để trống, chỉ đắp lan can con tiện. Sau Gác chuông là khoảng sân hẹp dẫn tới một tòa tháp bằng gạch khá lớn, đặt trên một hồ nước, được xây năm 1990.

Tòa tháp này có tầng đế vuông, đã bảy tầng tháp hình bát giác phía trên; tầng tháp trên cùng đỡ một đài sen lớn. Sau tòa tháp là chùa chính kết cấu chữ Đinh, gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường gồm năm gian hai dĩ, gian giữa xây bệ làm nơi hành lễ, hai gian liền kề hai bên đặt tượng Hộ Pháp; gian ngoài cùng bên trái là ban thờ Đức Ông, gian ngoài cùng bên phải là ban thờ Thánh Tăng; hai dĩ hổi đặt đôi ngựa thờ. Tiền đường cấu trúc kiểu chồng diêm, hai tầng bốn mái, hai đầu hồi xây tường gạch bít đốc lên tới mái. Bộ khung kiến trúc của Tiền đường kiểu bốn hàng chân, nhưng các cột được làm bằng bêtông, chỉ có câu đầu, các con rường và hoành mái bằng gỗ. Bộ vì nóc đỡ tầng mái trên kết cấu kiểu vì giá chiêng - chồng rường. Các vì nách ở Đại bái là kiểu cốn chồng rường với những rường cánh chồng lên nhau qua các đấu vuông thót đáy.

Thượng điện gồm ba gian với bốn bộ vì cũng cấu trúc kiểu chồng diêm hai tầng bốn mái. Hai bộ vì nóc trong cùng và ngoài cùng làm kiểu vì kèo suốt đơn giản; dưới dạ hai thanh kèo của bộ vì trong cùng gắn tấm trang trí tạo các đường lượn mềm mại; dưới bộ vì kèo ngoài cùng là phần tường ngăn giữa Thượng điện và Thiêu hương, mặt trong đắp bốn chữ Pháp hoa hội thượng (法花會上). Ban thờ Phật được bày giữa hai hàng cột cái trên Thượng điện, gồm năm lớp: Lớp trên cùng là bộ Tam Thế Thường Trụ Diệu Pháp Thân với ba pho tượng tượng trưng cho ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai đang ngồi xếp bằng trên đài sen, mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ XX.

Lớp thứ hai là bộ Di Đà Tam Tôn, với pho A Di Đà ngồi giữa, kích thước khá lớn; hai bên là Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát đứng trên tòa sen. Các pho tượng này mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

Lớp thứ ba có pho Tuyết Sơn ngồi giữa, hai bên có hai đệ tử đứng chầu. Tuyết Sơn là hiện thân của sự tôi luyện sau bảy năm tu hành khổ hạnh của đức Phật được mô tả với dáng gầy gò, đầu ngẩng cao; đôi mắt hơi khép lại; trên thân tượng nổi rõ những chiếc xương sườn với những đường gần, mạch máu như đan quyện vào nhau rất sống động. Pho tượng này mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ XX.

Lớp thứ tư có pho Di Lặc ngồi giữa, hai bên là hai pho Quan Âm mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII và là bộ tượng cổ nhất hiện còn ở chùa, được tạo ngồi xếp bằng trên bệ sen, một tay cầm viên minh châu để ngửa trên đùi, một tay giơ lên, bệ sen đỡ tượng gồm hai lớp cánh sen lớn, trong lòng mỗi cánh sen chạm hình vân xoắn, hoa cúc cách điệu khá đẹp.

Lớp thứ năm là tượng Cửu Long mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ XX, với tượng Thích Ca Sơ Sinh đứng giữa, bao xung quanh là chín con rồng đang phun nước, xen kẽ là những pho tượng Phật, Bồ Tát, Thiên tướng nhỏ. như mô tả một thế giới Sa bà đang hân hoan chào đón sự ra đời của đức Phật. Hai bên tường hồi của Thượng điện còn thờ bộ Thập Điện Diêm Vương (mỗi bên năm pho) góp phần tạo nên sự phong phú, hoàn chỉnh cho hệ thống tượng thờ ở đây.

 Khu nhà Tổ nằm bên trái chùa chính, chạy song song với Thượng điện, gồm năm gian, bên trong có ban thờ đức Bồ Đề Đạt Ma và một pho Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, kiểu dáng tương tự như pho Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), nhưng niên đại chỉ khoảng cuối thế kỷ XIX.

Điện Mẫu nằm phía sau Thượng điện, gồm ba gian: gian giữa thờ Tam vị Thánh Mẫu, gian bên trái thờ Đức thánh Trần, còn gian bên phải là động Sơn Trang. Bộ vì đỡ mái kiểu giá chiêngđơn giản, nhưng hàng cột cái ở đây được thay bằng cột trốn kê trên cật xà thượng để mở rộng không gian hành lễ.

Hiện chưa có tài liệu khẳng định về thời gian khởi dựng của chùa Đại Áng, nhưng căn cứ vào hệ thống tượng thờ hiện còn thì có thể thấy, ít nhất ngôi chùa phải có từ thế kỷ XVIII. Mặc dù vậy, kiến trúc hiện nay của chùa đều là sản phẩm của những lần tu bổ, xây dựng lại trong thế kỷ XX. Trong những năm vừa qua, ngôi chùa vẫn tiếp tục được tu bổ như xây lại điện Mẫu Gác chuông… để nơi sinh hoạt tâm linh này ngày một khang trang hơn. Bên cạnh hệ thống tượng thờ rất phong phú, chùa Đại Áng hiện nay còn lưu giữ được khá nhiều di vật có giá trị khác, đó là quả chuông đồng ở nhà Tổ, được đúc năm Thành Thái thứ 13 (1901); các bát hương sứ, bát hương đá thế kỷ XIX và nhiều hoành phi, câu đối, cửa võng được tạo tác vào nửa đầu thế kỷ XX... Chùa Đại Áng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1991.