DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP QUỐC GIA MIẾU - ĐÌNH LINH LINH - THÔN VĨNH TRUNG
Publish date 12/04/2023 | 10:01  | Lượt xem: 1168

I, Khái quát - Thần tích:

Làng Vĩnh Trung hiện có hai ngôi đình cùng thờ Tam vị “Đại vương thần bắn”. Một đình ở phía ngoài làng, vốn là ngôi Miếu - nơi trú ngự chính của ba vị thành hoàng làng, gọi là Miếu Linh Linh; về sau không rõ từ bao giờ, Miếu được gọi là Miếu Đình (cũng có thể là do kiến trúc, quy mô của ngôi Miếu lớn hơn các ngôi Miếu thông thường nên dân gian gọi là Miếu Đình), Miếu là nơi sinh hoạt chung của dân làng. Hiện tượng Miếu chuyển thành Đình thường không phổ biến trên vùng đồng bằng Bắc Bộ".

 

Theo lưu truyền dân gian và theo thần phả được sao vào ngày tốt tháng tám năm Thành Thái thứ 3 (năm 1891) dựa trên bản chính của Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ 2 (năm 1573) và bản của Quản giám bách thần Tri điện Hùng Lĩnh Thiếu Khanh Nguyễn Hiền sao lại năm Vĩnh Hựu thứ 3 (Đinh Ty, 1737) thì khởi đầu, Đình Ngoài của làng Vĩnh Trung vốn là Miếu Linh Linh thờ thần bản thổ rất linh thiêng. Vào đời Hùng Vương thứ 18, ở trang Tiên Thừa huyện Kim Bảng có người họ Đàm, tên Huyên, vợ là Bạch Thị Thái, bốn đời làm nghề thuốc, tính tình nhân hậu, nhưng đã ngoài 40 tuổi mà hai ông bà vẫn chưa có con.  Một năm nọ, hai ông bà đến chùa Hương cầu tự. Đêm đến, ông bà nghỉ ở chùa. Giữa đêm, bà mơ thấy một người dáng to lớn, xưng là song thần cai quản địa phương Vĩnh Hưng Trung, huyện Thanh Oai. Cảm thông với tình cảnh của hai người, ta sẽ cử 3 vị đức ông “xạ thần” (thần bắn) đến Miếu Linh Linh giúp, các người hãy mau thu xếp về Miếu Linh Linh khu Vĩnh Hưng Trung chờ đợi.

Sáng hôm sau, bà Thái đem chuyện nằm mơ nói với ông Huyên. Rồi hai người thu xếp lên đường đến khu Vĩnh Hưng Trung, hỏi về Miếu Linh Linh, xin các cụ trong làng cho vào làm lễ. Sau khi về quê ở Kim Bảng một thời gian, bà Thái có mang. Đến ngày 12 tháng năm năm Nhâm Ngọ, bà trở dạ sinh ra một bọc ba con trai. Ngày qua tháng lại, cả ba người đều khôn lớn. Năm 18 tuổi, ba người đều to lớn, khoẻ mạnh, khối ngô tuấn tú, tinh thông binh thư, võ lược. Đến năm họ 22 tuổi thì bố mẹ lần lượt qua đời. Lo tang xong cho cha mẹ, ba chàng trai chu du khắp nơi. Một hôm, họ đến chùa Vân Mộng cùng huyện; lễ xong, cả ba người cùng thiếp đi rồi cùng mơ thấy một người xưng là Ly thần (thần chồn) hiện lên hứa sẽ phù hộ cho các ông trở thành tướng có tài cứu dân giúp nước. Ba anh em biết rằng mình sẽ có ngày gánh trách nhiệm cứu dân cứu nước.

Thế rồi, một năm nọ, đất nước đang yên bình bỗng hàng vạn quân giặc từ Ai Lao xâm phá đất nước. Vua Hùng Tuấn Vương truyền lệnh đi các nơi tìm người hiền tài ra giúp dân giúp nước. Ba anh em nghe tin bèn tức tốc lên kinh đô Bạch Hạc (Việt Trì) vào yết kiến vua Hùng. Vua giao cho ba anh em thông lĩnh 3000 quân đánh xuống phía nam. Chỉ trong một ngày, đạo quân của ba anh em đã tiến xuống Thanh Trì. Đến khu Vĩnh Hưng Trung, thấy địa thế quanh co, rồng chầu hổ ấp bèn vào Miếu Linh Linh bái yết và nói với các bộ lão trong làng rằng: “Trước đây, cha mẹ chúng ta thường nói, anh em ta được thần núi Linh Linh thờ ở nơi này phù trợ giáng sinh. Nay chúng ta đã đến đây, xin được lễ tạ công ơn trời bể của thần”. Rồi ba anh em lập doanh trại, luyện tập võ nghệ, 35 thanh niên làng Vĩnh Hưng Trung xung phong vào đội quân của ba vị. Vết tích của doanh trại quân sĩ hiện còn qua các địa danh: Vườn Hầu, Nền Trại, Ổ Voi, Cổ Ngựa. Khi quân sĩ đã tinh thông võ nghệ, ba vị cùng dân làng mở tiệc ăn mừng. Tiệc xong, ba người dẫn đại quân lên đường đánh giặc. Giặc thua tan tác, phải rút chạy về nước. Vua Hùng Tuấn Vương nghe tin bèn tặng danh hiệu cho ba ông là “Đương tiên lộ, Ngô tướng quân”, phong là “Đại vương thần bắc”, cho ba người 20 khoảnh ruộng, mỗi khoảnh 25 mẫu ở khu Vĩnh Hưng Trung làm thực ấp. Ba anh em bèn trở về khu Vĩnh Trung làm lễ tạ và cùng dân làng mở tiệc ăn mừng. Tiệc đang vui thì có luồng sắc khí vàng, gió cuốn mạnh đưa ba ông lên trời. Hôm ấy là ngày 12 tháng sáu. Dân làng thương tiếc ba ông bèn lập bài vị đưa vào Miếu Linh Linh thờ. Các triều vua về sau đều phong sắc cho các ông.

 

Hiện trong miếu đình còn 15 đạo sắc phong. Đạo sớm nhất vào năm Cảnh Hưng 44 (năm 1783), đạo muộn nhất đời Khải Định (năm 1924). Hàng năm, đến ngày 12 tháng năm là ngày sinh, 12 tháng sáu (ngày hóa), và 2 tháng chạp (ngày Khánh hạ), dân làng làm lễ tế các ông tại đình.

Miếu Linh Linh cùng với chùa Ứng Linh được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 680 ngày 16 - 3 - 1993 của Bộ trưởng Bộ VHTT.

 

II, Kiến trúc:

Miếu Linh Linh chưa rõ được xây từ bao giờ. Quy mô và kiến trúc Miếu hiện nay được trùng tu lần 1 hoàn thành vào tháng Quý thu (tháng chín) năm Canh Tý niên hiệu Thành Thái (năm 1900) và lần 2 vào năm 2013.

 

          Miếu Linh Linh nằm ở rìa làng, mặt quay hướng Tây-Nam nhìn qua các rặng cây to về cánh đồng có tên là đồng Cửa Miếu, phía xa xa là thôn Đại Áng. Trước đình là một hồ nước nhỏ, có một gò đất cao nổi giữa hồ, gọi là Án Đình, từ con đường làng đi ngang qua cổng đình có cầu bắc ra Án Đình với bức bình phong cuốn thư xây dưới gốc cây muỗm cổ thụ ở giữa hồ, ở giữa hồ nước có 04 trụ nổi có 04 linh vật Long, Ly, Quy, Phụng bằng đá cùng chầu về hướng Án Đình.

 

Miếu có kiến trúc chữ “Công”, gồm 5 gian Tiền tế và 3 gian Hậu cung nối với tòa ống muống (dân làng thường gọi là “chuôi vồ”). Cả Tiền tế và Hậu cung được trùng tu cùng thời điểm. Điều này được chứng minh bằng các dòng chữ Hán trên các câu đầu của Tiền tế và Hậu cung đều có nội dung như nhau.

Vào cuối thế kỷ XIX, Miếu Linh Linh không chỉ là nơi tế tự mà còn là nơi sinh hoạt của bộ phận cư dân các xóm khác ngoài làng.

Năm 2013 Miếu đình tiến hành tu bổ tôn tạo, xây thêm khu vực án đình tại khuôn viên Ao Đình.

 

Đến năm 2018 khuôn viên án đình được tu bổ kè đá, thêm bốn trụ thờ long, ly, quy, phụng.

III, Lễ hội:

Hàng năm vào 4 ngày:

+ Ngày mùng 10 tháng ba làm lễ cầu mát mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

+ Ngày 12 tháng năm là ngày sinh và ngày phong sắc của thần. Dân làng tổ chức tế lễ đầy đủ.

+ Ngày 12 tháng sáu là ngày hóa.

+ Ngày mùng 2 tháng Chạp là ngày Khánh hạ, dân làng mở hội làm lễ tế Thành hoàng tại đình.

 

Lễ Hội chính diễn vào sáng mùng 2 tháng Chạp ngày Khánh Hạ, dân làng nô nức mở lễ hội chính, rước kiệu từ Miếu Linh Linh về Đình trong hoặc từ Đình trong ra Miếu và thụ lộc tại nơi Kiệu ngự. Đây là ngày hội chính, thu hút nhân dân trong làng, trai làng gái làng làm ăn lấy vợ, chồng xa và khách thập phương về lễ thánh thể hiện lòng thành kính và ghi nhớ công ơn đức thánh. Đó cũng là truyền thống lễ hội có từ lâu đời được dân làng Vĩnh Trung lưu giữ, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

 

Ngày 30 tháng 11 âm lịch Ban tổ chức lễ hội, dân làng tiến hành mở cửa Miếu Đình bao sái và bầy sắp lễ. Đội múa rồng, sênh tiền, quân kiệu tiến hành tập luyện chuẩn bị cho ngày hội chính.

 

Đến ngày mùng 1/12, tại miếu đình lần lượt đội tế nam và tế nữ của làng sẽ tế thánh. Cùng với đó, ban tổ chức lễ hội tổ chức các trò chơi dân gian như: bắt vịt, kéo co, chọi gà, đánh cờ tướng,…. Đêm ngày mùng 1/12 tại sân nhà văn hóa thôn diễn ra đêm văn nghệ quần chúng.

 

Sáng ngày 2 tháng Chạp dân làng tiến hành lễ hội chính. Sau khi ban tổ chức tuyên bố Khai hội là lần lượt các đoàn rước theo thứ tự rước Thánh tuần du thăm thú quanh làng.

Đến trưa cùng ngày, BTC mời tất cả quý khách thập phương, nhân dân trong làng tham dự lễ hội đến tại Miếu Đình hoặc Đình trong thụ lộc.

Đến chiều cùng ngày sẽ diễn ra hát quan họ trên bến dưới thuyền tại ao Sen của làng.